Hiển thị các bài đăng có nhãn THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN. Hiển thị tất cả bài đăng

4/13/2020

5 nút thắt cần tháo gỡ để vốn chảy vào bất động sản sau dịch Covid-19

5 nút thắt cần tháo gỡ để vốn chảy vào bất động sản sau dịch Covid-19

Để thị trường BĐS Việt Nam có thể hồi phục nhanh chóng sau những thiệt hại từ dịch Covid-19, giới chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, tăng tính minh bạch trong chuyển nhượng đất và cải thiện cơ hội tiếp cận tín dụng.
Theo ông Ben Gray – Giám đốc thị tường vốn Cushman & Wakefield, tác động của COVID-19 khiến mọi hoạt động kinh tế vào Việt Nam giảm. Tuy nhiên Việt Nam cũng đang có cơ hội tốt để biến lĩnh vực BĐS thành động lực tăng trưởng nếu giải quyết được 5 nút thắt đang ngăn chặn sự tăng trưởng của thị trường cũng như tạo động lực giúp BĐS vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19, cụ thể:
1. Minh bạch trong giá chuyển nhượng đất
Ưu tiên hàng đầu hiện nay là chính phủ cần chấm dứt bất ổn xung quanh việc xem xét giá chuyển nhượng đất. Ngoài ra, việc xem xét các mức giá dự án đã được trả bởi các nhà phát triển BĐS cần được đẩy nhanh và đưa vào khung pháp lý rõ ràng để giải quyết. Quá trình xem xét kéo dài đã gây cản trở cho sự phát triển, tạo ra những hạn chế về nguồn cung trong khi thị trường đang lớn mạnh với nguồn cầu. Thiếu hụt nguồn cung trong thời điểm nguồn cầu tăng sẽ dẫn đến tăng giá đất, giá mua bán và giá thuê. Việc ban hành chính sách rõ ràng và khung pháp lý chặt chẽ cho các nhà phát triển BĐS sẽ giúp giải quyết các vấn đề về cung mà không áp đảo thị trường hay làm thị trường mất ổn định. 
2. Tăng niềm tin qua hợp tác công - tư
Việt Nam cần tiếp tục phát triển mô hình PPP (hợp tác công - tư) đối với đất do quân đội và nhà nước sở hữu. Mô hình này sẽ giúp tăng cơ hội tiếp cận đất phù hợp của nhà đầu tư cho mục đích phát triển, giúp tăng FDI trong các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và logistics. 
Một đề xuất khác được đưa ra bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đó là phát triển quy trình áp dụng và phê duyệt thiết thực và minh bạch. Quy trình này sẽ đòi hỏi phải chỉ định ba chuyên gia thẩm định độc lập để thẩm định giá trị tài sản của nhà phát triển và nhà đầu tư bất động sản. Quy trình này sẽ đem lại niềm tin cho các nhà phát triển BĐS có thể tiếp cận các dự án theo cách thức kịp thời, và các vấn đề về cung sẽ được tháo gỡ.
3. Xây dựng khung pháp lý, quy trình và giá cả rõ ràng hơn
Các quy trình và các khung pháp lý cồng kềnh ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực bất động sản, dẫn đến dự án chậm trễ và tăng chi phí phát triển. Bằng việc đưa ra đường lối chỉ đạo, quy trình và mức giá rõ ràng, nhà nước có thể mở cửa đón nhận các nguồn vốn chảy vào Việt Nam.
Những dãy nhà liên kế nằm hai bên đường trong một khu đô thị.
Việt Nam đang có cơ hội khẳng định vị thế là một thị trường đầu tư tiềm năng nếu kiểm soát tốt các nút thắt đang ngăn cản sự phát triển hiện tại. Ảnh minh họa
Thiếu cơ sở hạ tầng đang làm cản trở thị trường BĐS. Trong trường hợp miền Nam Việt Nam, việc hoàn thành các đường vành đai bên trong và bên ngoài, kết nối các cảng và khu công nghiệp bằng các đoàn tàu chở hàng, và phát triển các nút giao thông nhanh chóng sẽ hỗ trợ cho việc sử dụng hiệu quả và thành công vốn đầu tư.  4. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng
Việc đẩy mạnh phát triển hệ thống đường sắt và cải thiện đường đi vào nội thành, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các khu vực kinh tế ven biển và cửa khẩu cũng như phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu nông nghiệp sẽ giải quyết những hạn chế về cơ sở hạ tầng đang cản trở sự phát triển và đầu tư vào nhiều loại hình bất động sản.
5. Cải thiện cơ hội tiếp cận tín dụng 
Tiếp cận tín dụng đối với các nhà phát triển BĐS là yếu tố then chốt để mở rộng cơ sở đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay, rủi ro chính đối với những người cho vay muốn làm việc với những người vay Việt Nam rất đơn giản, trong trường hợp không thể thanh khoản, việc tịch thu tài sản thế chấp khá khó khăn nếu không có sự phân xử của tòa án.
Để giảm thiểu rủi ro, những người cho vay hiện phải sử dụng các biện pháp kiểm soát tiêu cực, vô hình  tạo ra trở ngại đối với hầu hết các nguồn vốn muốn chảy vào Việt Nam vì họ bị buộc phải hạn chế rủi ro, dẫn đến tăng chi phí vốn mà họ triển khai. Do đó, việc giải quyết vấn đề thu hồi nợ sẽ giúp tăng tính thanh khoản. Các nhà phát triển có thể tiếp cận các nguồn vốn khác với chi phí rẻ và loại bỏ rủi ro đối với các ngân hàng nhà nước và địa phương.
Thế giới đang đối mặt sự suy giảm kinh tế chưa từng thấy trong hơn 100 năm qua. Đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam, bất động sản cần giữ vai trò thúc đẩy tăng trưởng đất nước và phục hồi viện trợ trong trường hợp suy thoái kinh tế.
Sự tăng trưởng này phụ thuộc vào nguồn vốn FDI trong các lĩnh vực công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và cơ sở hạ tầng. Nếu Việt Nam có thể tháo gỡ nhanh chóng các nút thắt này, sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư và giúp thúc đẩy tăng trưởng nhanh nền kinh tế. Chính phủ có thể giải quyết một vài trong số những vấn đề này để nâng cao uy tín Việt Nam là một nhà nước có khả năng thích ứng với một thế giới luôn biến đổi.

4/06/2020

Thất nghiệp vì Covid-19, người vay mua nhà như “ngồi trên đống lửa”

Thất nghiệp vì Covid-19, người vay mua nhà như “ngồi trên đống lửa”

Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, thu nhập của nhiều người lao động giảm sút, thậm chí bị mất việc. Điều này ảnh hưởng gián tiếp đến những khách hàng vay mua nhà trả góp. Không ít người như đang “ngồi trên đống lửa” vì không biết lấy đâu ra tiền để trang trải khoản nợ ngân hàng.
Sau nhiều năm đi thuê nhà ở, tháng 6/2018, vợ chồng anh Đức Thắng (quê Hưng Yên) quyết định mua một căn hộ chung cư rộng gần 70m2 trên đường Lê Trọng Tấn (Hoài Đức) với giá 1,7 tỷ đồng. Trong đó, 700 triệu đồng là tiền tiết kiệm và tiền bố mẹ cho, còn lại 1 tỷ đồng vợ chồng anh vay vốn tại một ngân hàng cổ phần trong vòng 15 năm, lãi suất 10,5%/năm. Số tiền phải trả lãi và gốc hàng tháng (kể từ năm thứ hai) đối với khoản vay này vào khoảng 12 triệu đồng/tháng. Trước đây, tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 30 triệu/tháng. Tuy nhiên từ sau Tết Nguyên đán đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 bùng  phát, thu nhập của gia đình bị giảm mất 1 nửa do anh Thắng tạm thời phải nghỉ việc không lương. 
Anh Thắng cho biết mình làm hướng dẫn viên du lịch cho một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội nhưng công ty đã đóng cửa gần 2 tháng nay do không có tour. Tình hình kinh tế khó khăn nên công ty chỉ hỗ trợ một phần lương cho những nhân viên chủ chốt, số còn lại đều phải nghỉ không lương. 
"Cứ ngỡ chỉ nghỉ khoảng 1 tháng là được đi làm trở lại, nhưng tới nay đã gần 2 tháng trôi qua, tình hình dịch bệnh lại ngày càng phức tạp, nguy cơ nghỉ kéo dài là không tránh khỏi. Trước đây thu nhập của tôi vào khoảng 15 triệu đồng/tháng nhưng nay là con số 0. Nếu thanh toán khoản trả góp hàng tháng, số tiền còn lại để chi tiêu cho cả gia đình chỉ còn vẻn vẹn 3 triệu đồng. Tình hình này nếu kéo dài vợ chồng tôi sẽ không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ định kỳ hàng tháng”, anh Thắng lo lắng. 
Người phụ nữ mặc chiếc áo xanh ngồi ôm đầu
Những khách hàng vay mua nhà trả góp như đang “ngồi trên đống lửa” vì không biết
lấy đâu ra tiền để trang trải khoản nợ ngân hàng. Ảnh minh họa
Cùng chung cảnh ngộ, chị Hoa, giáo viên mầm non một trường tư thục tại Mai Dịch (Cầu Giấy) cũng đang như “ngồi trên đống lửa” khi phải nghỉ việc từ đầu tháng 1 đến nay. Trong khi  đó, hàng tháng vợ chồng chị vẫn phải đều đặn trả nợ lãi và gốc cho khoản vay mua nhà. Theo lời kể của chị Hoa, vợ chồng chị đều là dân tỉnh lẻ. Hai vợ chồng làm lụng nhiều năm mới tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng và phải vay ngân hàng thêm 700 triệu để mua một căn hộ hơn 70m2, giá 1,2 tỷ ở quận Hà Đông. 
Trước đây, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng vào khoảng 20 triệu đồng, nhưng từ lúc mất việc "bất đắc dĩ" tới giờ, thu nhập của chị Hoa bị giảm tới 70-80%. Mặc dù nhà trường có hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng nhưng cũng không đủ để chị trang trải cuộc sống. Tất cả mọi chi phí trong nhà từ tiền ăn uống, điện nước đến tiền trả ngân hàng đều trông chờ vào nguồn thu nhập của chồng. Chồng chị Hoa làm việc cho một công ty vận tải. Tuy nhiên, công ty cũng vừa thông báo sắp tới chồng chị sẽ phải nghỉ luân phiên, 1 tuần chỉ làm việc 2-3 ngày. Mặc dù chị Hoa đã xoay sang hướng chế biến đồ ăn vặt tại nhà rồi rao bán online trên facebook nhưng cũng chỉ kiếm thêm được chút tiền đi chợ.
“Hai tháng nay, vợ chồng tôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để thu xếp tiền trả lãi ngân hàng, nhưng nếu tình hình này kéo dài nhiều tháng nữa, e rằng chúng tôi khó cầm cự được”, chị Hoa chia sẻ.
Thực tế, anh Thắng, chị Hoa chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bị thất nghiệp, giảm lương và đang chật vật với khoản vay mua nhà trả góp. Hiện nay, trên một số diễn đàn, mạng xã hội, nhiều nhóm cư dân mua nhà đang kêu gọi ngân hàng đưa ra chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho người mua nhà do thu nhập bị ảnh hưởng, dẫn đến khó khăn trả nợ.
Được biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành các quy định hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số ngân hàng bắt đầu triển khai các giải pháp cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Theo đó, khách hàng phải chủ động gửi đơn đề nghị ngân hàng giãn nợ và trình bày nguồn thu nhập bị sụt giảm như thế nào. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ thẩm định và xem xét từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đề xuất đều được ngân hàng xét duyệt và các chính sách hỗ trợ hiện nay chỉ mới tập trung nhiều vào nhóm khách doanh nghiệp mà chưa có hướng hỗ trợ cụ thể cho khách hàng cá nhân.
Theo các chuyên gia tài chính, đây là lúc ngân hàng và khách hàng cần chia sẻ khó khăn cho nhau. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào tiền túi của các ngân hàng thì rất khó vì các ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, họ phải cân đối nguồn thu, nguồn chi và sẽ thực hiện rất chừng mực. Một số chuyên gia cho rằng, cần có gói hỗ trợ mạnh hơn từ Chính phủ và có sự tiếp sức từ nguồn tiền ngân sách để giúp người vay vốn vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

4/04/2020

Hà Tĩnh sẽ có thêm khu đô thị hơn 1.200 tỷ đồng

Hà Tĩnh sẽ có thêm khu đô thị hơn 1.200 tỷ đồng

Dự án khu đô thị tại xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư dự kiến là 1.209 tỷ đồng, quy mô dân số khoảng 5.500 người.
một góc TP. Hà Tĩnh nhìn từ trên cao
Khu đô thị tại xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh được xây dựng trên diện tích 20,75ha
Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh vừa được HĐND tỉnh Hà Tĩnh khoá XVII thông qua.
Dự án được xây dựng trên diện tích 20,75ha, thuộc địa bàn xã Thạch Trung và phường Nguyễn Du. Quy mô dân số khoảng 5.500 người. 
Tổng mức đầu tư của dự án là 1.209 tỷ đồng, chưa tính tiền sử dụng đất và chi phí giải phóng mặt bằng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Khu vực thực hiện dự án có phía Đông giáp đường Xuân Diệu kéo dài; phía Nam giáp khu dân cư phường Nguyễn Du, đường bao phía Bắc Khu đô thị Bắc TP. Hà Tĩnh; phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng, Quốc lộ 1A và đất quy hoạch công trình công cộng; phía Bắc giáp bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, khu dân cư, trường THPT chuyên Hà Tĩnh.
Dự án gồm các hạng mục như khu nhà ở, khu thương mại dịch vụ, công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng đồng bộ. 20% diện tích đất ở tại dự án được dành để xây dựng nhà ở xã hội, dự kiến có 514 căn hộ.
Hình thức thực hiện dự án là xây dựng mới và đấu thầu chọn nhà đầu tư. Dự án được thực hiện trong 30 tháng tính từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh sẽ có 9 dự án nhà ở xã hội, 27 khu tái định cư, 185 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị và dân cư. Tổng vốn đầu tư những dự án này dự kiến là 66.875 tỷ đồng.

3/30/2020

Tất tần tật những điều cần biết về đất giãn dân

Tất tần tật những điều cần biết về đất giãn dân

Giá bán rẻ, giao dịch nhanh gọn nên đất giãn dân luôn là lựa chọn ưu tiên của những người có nhu cầu ở thực nhưng tài chính eo hẹp. Vậy đất giãn dân thực chất là đất gì, pháp lý ra sao và "của rẻ là của ôi" trong trường hợp này sai hay đúng?
1. Đất giãn dân là gì?
Về bản chất, đất giãn dân là một dạng tái định cư và dùng để ở. Đất này được Nhà nước dùng để cấp cho những người dân có đất nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn, không có nơi ở, không có đủ điều kiện để mua nhà, mua đất. Việc cấp đất giãn dân không miễn phí mà người mua vẫn phải đóng tiền sử dụng đất bình thường. Tuy nhiên, khoản tiền này được tính ở mức rất thấp, phù hợp với thu nhập mà họ có được.
Theo Quyết định số 36/1998/QĐ-UB của thành phố Hà Nội, đối tượng được xem xét giao đất giãn dân trên địa bàn được quy định cụ thể như sau:
- Hộ chưa có nhà ở và chưa có đất để xây dựng nhà ở, chưa được xét giao đất giãn dân.
- Hộ có đông nhân khẩu, nay có thêm có một cặp vợ chồng đã tách riêng hộ khẩu và hình thành một gia đình riêng mà không còn đủ diện tích đất để có thể xây dựng nhà ở.
- Phụ nữ có khó khăn trong việc xây dựng gia đình, vẫn ở chung với bố mẹ đẻ hoặc anh, chị, em, nếu đã tách hộ và thực sự có nhu cầu về đất ở mà gia đình không còn đủ diện tích đất để xây dựng nhà ở, thì có thể được xem xét giải quyết đất ở bằng 50% so với mức quy định chung cho các hộ ở mỗi vùng.
1 con đường rộng, xung quanh là cây cối, xa xa có một vài ngôi nhà
Về bản chất, đất giãn dân là một dạng tái định cư và dùng để ở. Ảnh minh họa
2. Đất giãn dân có được cấp sổ đỏ không?
Cũng như các loại đất khác, đất giãn dân có được cấp sổ đỏ hay không còn tùy thuộc vào việc thỏa mãn các điều kiện tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:
- Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước 15/10/1993.
- Giấy tờ hợp pháp về: Thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.
- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước 15/10/1993.
- Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
- Các loại giấy tờ khác được xác lập trước 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ.
3. Đất giãn dân có được chuyển nhượng không?
Theo quy định của Luật Đất đai, muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bên chuyển nhượng phải đảm bảo được các điều kiện sau:
- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Đất không có tranh chấp
- Không bị kê biên để đảm bảo thi hành án và còn trong thời hạn sử dụng đất
Vì vậy, những trường hợp mua bán đất giãn dân chưa có sổ đỏ mà giao dịch bằng giấy viết tay thường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Người dân dù sống trên đất của mình nhưng không được công nhận về mặt pháp lý, trong trường hợp cần thế chấp để vay vốn cũng không đủ điều kiện do thiếu giấy tờ chứng minh quyền sở hữu. Người mua cũng cần lưu ý, tuy đất giãn dân giá rẻ, giao dịch nhanh chóng nhưng dân cư tìm về khu giãn dân thường là tứ xứ, dẫn tới phức tạp về an ninh, lối sống.

Kiến nghị giảm 70% thuế khi xây nhà xã hội cho thuê

Kiến nghị giảm 70% thuế khi xây nhà xã hội cho thuê

Đối với các dự án nhà ở xã hội cho thuê, HoREA vừa gửi kiến nghị giảm 70% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
tòa nhà cao tầng dự án nhà ở xã hội
HoREA kiến nghị giảm 70% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với
dự án nhà ở xã hội cho thuê. Ảnh minh họa
Gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Tài chính và UBND TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc về mức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội cho thuê.
HoREA lấy ví dụ dự án nhà ở xã hội cho thuê tại quận Bình Tân, TP.HCM của Công ty Lê Thành. Dự án này vẫn bị áp dụng thuế suất 5% thuế giá trị gia tăng và 10% thuế thu nhập doanh nghiệp. HoREA cho rằng có sự xung đột pháp luật khi áp dụng ưu đãi thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án nhà ở xã hội cho thuê này. 
Phía Công ty Lê Thành cho biết, vì dự án thuộc nhóm được ưu đãi nên lẽ ra doanh nghiệp phải được giảm 70% thuế. Năm 2015, để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho thuê, Chính phủ đã ra nghị định ưu đãi cho chủ đầu tư được giảm 70% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng thực tế, do luật và nghị định vênh nhau nên doanh nghiệp không được hưởng mức thuế suất ưu đãi này.
Do đó, HoREA đề nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép giảm 70% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án nhà ở xã hội cho thuê. Bên cạnh đó cần bổ sung việc giảm 70% thuế đối với trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khi xem xét sửa đổi các luật liên quan nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.